Category Archives: Mexico

Biển Đông, ta biết làm sao???

Mấy ngày nay tôi không thể rời luồng thông tin (lẫn luồng thái độ) về cuộc xung đột trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tôi không ở nhà, cuối cùng chỉ có thể hỏi bạn bè, xem tình hình ở nhà thực sự thế nào.

Những gì tôi đọc được trên mạng Việt Nam chủ yếu chia thành vài luồng như vầy:
– Tức giận với chính phủ Việt Nam. Anh ở đâu mà để bọn TQ nó khoan thẳng vô nhà như vậy?
– Thể hiện thái độ với Trung Quốc: căm ghét, sôi sục…
– Lo lắng về tình hình: dân ta chửi nhau như vầy thì biết làm sao (thiệt tình, tôi cũng nghĩ không biết phải làm sao!), nhà nước ta có lùi bước không, đánh nhau thì sao…

Còn “dư luận quốc tế” – qua các trang tin quốc tế và comment từ người tứ phương – thì chủ yếu chia thành 2 dòng, xem sự kiện lần này là:
– Một xung đột mới giữa Trung Quốc và Việt Nam trên lãnh thổ mà ai cũng cho là của mình
– Một diễn tiến đáng ngại mới trên biển Nam Trung Hoa (không phải biển Đông như chúng ta gọi)

Cơ bản mà nói, từ bên ngoài nhìn vào, người ta chỉ thấy đây là một xung đột. Các bạn Việt Nam sôi sục cỡ nào, thì tôi nghĩ có khi hiện giờ, người Trung Quốc cũng sục sôi cỡ đó. Đối với người Trung Quốc, tình hình có thể là họ mới cắm giàn khoan dầu xuống biển nhà họ, thì tự nhiên tàu Việt Nam nhào vô quấy nhiễu, đuổi không đi, xịt vòi rồng không đi, lại còn bảo đây là đất nhà tui, còn dân VN thì nhao lên chửi TQ. Hỏi có tức không?

Về chuyện chính sự, tôi vốn không có đủ khả năng và kiến thức để luận bàn sâu xa, càng không đủ năng lực để phán xét. Nhưng tôi nghĩ làm chuyện gì cũng phải “chính danh”. Nôm na như hồi nhỏ học lịch sử là mặt trận ngoại giao là không thể thiếu, nói nôm na hơn nữa là phải cho thế giới biết đúng là chuyện gì đang diễn ra.

Nhiều người mắng các anh hùng bàn phím chỉ giỏi to mồm. Nhưng tôi nghĩ internet là công cụ kinh khủng cho rất nhiều thứ. Chỉ cần có một “cuốn sách hướng dẫn” đúng và những tiếng nói đi đầu, rất có thể sẽ có những anh hùng bàn phím thực sự – chứ không phải chỉ là cách người ta gọi mỉa mai. Chỉ cần nhìn sự kiện Julian Assange hay Edward Snowden (và cách mà quốc tế ủng hộ họ) thì có thể hình dung internet có thể gây tác động ghê gớm đến mức nào.

Hồi xưa nghề kiếm cơm của tôi là quảng cáo. Tôi nghĩ đơn giản là các bạn ở các công ty quảng cáo, làm thương hiệu, socialize – hàng ngày nghĩ nát óc coi làm cách nào tấn công vào đầu não người tiêu dùng – cũng có thể nghĩ xem làm cách nào để tấn công cái mặt trận thông tin quốc tế kia.
Làm sao để cái video clip tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam không chỉ có chúng ta xem và nổi giận với nhau, mà cả thế giới người ta truyền nhau coi? Làm sao để bên cạnh những kênh tin tức chính thống của Reuteurs, AP… chúng ta đưa được những thông tin và sự thật khác ra bên ngoài?

Chúng ta hoàn toàn có thể có một “mặt trận trên mạng”, một cách tỉnh táo và thông minh (nói thiệt chứ tôi sợ đám đông cuồng loạn lắm, dù là đám đông đó đang yêu nước; và không có nhiều người muốn nghe một đám đông cuồng loạn đâu).

Tôi nghĩ vài ý đơn giản như vầy:
– Cần một nhóm “thanh niên nòng cốt”: các bạn làm agency thì có kỹ năng và công cụ, cùng với tư duy làm chiến dịch; các bạn phóng viên thì có khả năng tiếp cận và tìm kiếm thông tin.
– Nhóm “thanh niên nòng cốt” này lên chiến dịch cơ bản. Có thể làm các kênh thông tin không chính thống, Youtube, Facebook, seeding comment… bằng tiếng Anh và phát tán rộng rãi.
– Và nhóm “thanh niên nòng cốt” này cần sự hỗ trợ đặc biệt của tất cả các bạn có khả năng ngoại ngữ, dùng internet, cùng các kỹ năng khác.

Tôi còn nhớ ông David bạn tôi (người Anh), ổng kể chuyện hồi trẻ đi biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Ổng bảo tụi tao tới trước sứ quán Mĩ rồi la “Ho Ho Ho Chi Minh! Ho Ho Ho Chi Minh!”, phải nghe giọng ổng thiệt sự mới thấy tức cười. Và chú Mark nhà báo tôi gặp ở Washington, chú chỉ cho tôi những con đường ở khu vực gần Capitol Hill và nói: “Bây giờ mày nhìn như vậy đó, hồi đó, hàng ngàn người kéo đến đây để biểu tình, cả những người già ngồi xe lăn đi mấy chặng buýt mới tới được. Mày phải nhìn thấy được cảnh đó!”

Tôi nghĩ đơn giản vậy thôi. Và ai muốn làm gì hữu ích thì tôi theo, nhưng ngồi mắng thì tôi không làm đâu.

7/5/2014
Playa Del Carmen, Mexico

Một kỳ nghỉ trong một kỳ nghỉ

Cái chỗ mà bình thường tôi sẽ không mặn mà chút nào, rốt cục lại là nơi tôi ở lâu nhất trong gần 8 tháng lang thang vừa qua. Cả lần trước và lần này, tôi ở đây phải hơn 20 ngày.
Playa Del Carmen. Bây giờ mệt mỏi là vậy, nhưng sau này, và sau nữa, có khi từng góc đường lẫn chiếc giường tầng nhỏ xíu ở đây sẽ làm mình nhớ đến phát khóc.

http://www.elle.vn/trai-nghiem-song/mot-ky-nghi-trong-mot-ky-nghi-blog-mit-dac

20140505-171125.jpg

Khi mình cầm hộ chiếu Việt Nam

1/ Đến đi Mông Cổ cũng mắc mệt

Tôi có đến mấy người bạn gặp rắc rối khi xin visa du lịch Mông Cổ. Hồi 3 năm trước lúc tôi xin visa, tuy không lằng nhằng bằng bây giờ, nhưng cũng chẳng dễ chịu gì.

Hồi đó tôi ngạc nhiên lắm, chẳng hiểu mắc giống gì Mông Cổ mà bày đặt làm khó dữ. Lúc đó tôi chưa biết là rất nhiều người Việt trốn qua đó sửa xe.

Lúc làm thủ tục nhập cảnh, chúng tôi bị mời qua một bên. Họ gọi điện thoại kiểm tra với khách sạn tôi ở rồi mới chịu cho qua. Nhưng thật ra chuyện đó không quan trọng. Quan trọng là cùng bị giữ lại với chúng tôi có một anh người Việt khác. Anh ngồi đó trước bọn tôi, sơ mi trắng đóng thùng – có lẽ đó là bộ đồ vía nhất nhì của ảnh, ôm cái cặp da cũ sờn kiểu cán bộ và chiếc mũ cối xanh, rất đặc trưng miền Bắc. Và chắc là ảnh không long nhong đi chơi như chúng tôi. Ảnh ngồi im lìm trên băng ghế bên ngoài phòng.
Sau này, tôi thực sự hối hận vì lúc đó đã quá mải mê cãi nhau với nhân viên an ninh mà không hỏi thăm ảnh.

Chuyện về sau thế nào tôi không biết được. Nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh đó. Làm sao mà đến cái đất giá lạnh, ít cây cỏ như Mông Cổ mà dân xứ tôi vẫn phải bôn ba qua đó kiếm cơm?

2/ Ở lại nước Mĩ

Anh bạn tôi kể rằng rốt cục, cô bạn thân của ảnh đã khăn gói qua Mĩ. Cổ có bầu một mình, đã sang Mĩ để chờ sinh con, và chuẩn bị mọi thứ để ở lại, cho cả mẹ lẫn con. Ảnh nói: ý chí thiệt đáng nể!

Cô bạn của bạn tôi chắc chắn không giống cái anh ôm cặp da cũ ngồi một mình ở sân bay Mông Cổ. Cổ có tiền, có kiến thức. Chớ ý chí mãnh liệt thì tôi nghĩ người di cư hầu như ai cũng phải có. Nhưng hình dung hoàn cảnh của cô ấy, tôi chỉ thấy lạnh gáy.

Chưa nói chuyện sinh con một mình ở xứ lạ. Riêng chuyện chắc chắn sẽ có lúc bị hỏi thăm vì ở trái phép, và chắc chắn sẽ phải trình ra quốc tịch Việt Nam – riêng chuyện này, nói như mấy bạn trẻ hay nói, tôi thấy sao “đắng lòng” quá.

3/ Đi lại bằng hộ chiếu Việt Nam

Chỉ riêng chuyện đi du lịch, một người cầm hộ chiếu Việt Nam thường phải “phấn đấu” gấp đôi so với “Tây”. Đồng tiền của mình yếu hơn, thu nhập bình quân thấp hơn, đem ra ngoài tiêu đã bất lợi. Chuyện đi đâu cũng phải xin visa càng bất lợi gấp bội – vừa khó chủ động, vừa tốn kém cho visa – và tốn thêm cho chi phí đi lại vì không chủ động.

Hồi tôi ở Couch Surfing ở Mĩ, có một chú chủ nhà hăng hái đến mức đề nghị giúp tôi vào quốc tịch Mĩ để dễ đi lại (xin chú thích là tôi không hề than; tôi rất sợ than vãn về những bất lợi do hộ chiếu của mình). Chú phân tích cho tôi rằng sau đó mày chẳng phải mất thời gian hay tiền bạc xin visa, mày được miễn hầu hết.

Nhưng cơ bản là tôi rất sợ giấy tờ. Để bớt thời gian làm giấy tờ cho mấy cái visa mà phải mòn mỏi làm giấy tờ cho một quốc tịch mới thì chịu! Người ta thường nhập cư vì những lý do lớn lao hơn nhiều, chớ đâu phải để đỡ xin visa.

Mà nghĩ mấy chuyện đó buồn lắm. Cái anh ôm cặp da ở Mông Cổ, hay cái cô chờ sinh con ở Mĩ, hay rất nhiều anh và cô tương tự. Họ khiến những người đi du lịch bình thường như tôi gặp khó khăn hơn nhiều khi xin visa. Nhưng tôi không trách họ, vì chỉ nghĩ thôi đã thấy buồn lắm.

15/3/2014
Palenque, Mexico

Hình này không liên quan gì, nhưng tôi thích mấy lúc ngồi cà phê ngó phố xá như vầy, ở một quán nhỏ trên vỉa hè San Cristobal. Và tôi cũng thích vỉa hè Sài Gòn biết bao!

20140315-215544.jpg

Nhớ

Tôi viết bài cuối cùng về Colombia. Một bài “tổng kết”. Và tôi nhớ quãng đời ngắn ngủi của mình ở đó đến mức phải ngừng viết.

Tôi nhớ chuyến đi biển có 3 tiếng đến Turbo mà bàng hoàng gấp mấy lần chuyến đi biển 8 tiếng. Lần đó, trong cơn choáng váng đung đưa trên sóng, tôi tự hứa thành lời với mình, là không, tui sẽ không bao giờ để cậu phải đi trên chiếc thuyền thế này thêm lần nữa.

Tôi nhớ những ngày dài lười biếng ở Capurgana. Tôi không tưởng nổi mình ở đến 12 ngày ở một làng ven biển xa xôi cách trở, cúp điện ngày chục bận. Tôi nhớ cái đêm đón giao thừa, đi vòng vòng trong làng nghe nhạc lúc tắt lúc mở vì cúp điện. Rồi ra băng ghế gỗ đầu làng uống rượu vang. Lúc đó, tôi có biết mình sẽ nhớ thiết tha đến mức này đâu.

Tôi nhớ những ngày trắc trở ở Cartagena. Rồi nhớ những bữa hiếm hoi nấu ăn, bày biện. Nhớ những trưa những chiều đi lang tháng trên phố đầy nắng.

Tôi nhớ những cơn gió như bão cuốn ở Santa Marta, tung hết cát bụi trên đường. Và nước biển giữa trưa nắng ở Taganga, sao mà vẫn lạnh ngắt.

Cái chuyện mình phải sống lúc này, giây phút này, tôi nghĩ ai mà không biết. Có thứ gì chắc chắn trên đời ngoài chính lúc này đâu. Nhưng mà làm được có lẽ là khó lắm. Hoặc nhiều lúc vì những chuyện củi lửa gạo dầu, mà mình quên mất. Rồi đến hồi nhớ ra, thì xong hết cả rồi.

9/3/2014
San Cristobal De La Casas, Mexico

20140309-164809.jpg

Chuyện cừu và chuyện đó

Chuyện xảy ra vào ngày thứ hai tôi đến Mexico City.

Tôi mù tịt về thành phố này, chưa đọc chữ nào trong sách hướng dẫn, cũng không coi đường sá, vì ở đây tôi đi cùng thổ địa. Thậm chí đi ra ngoài tôi cũng không cầm theo danh thiếp khách sạn, vì cái khách sạn bọn tôi ở không có danh thiếp.

Thổ địa thồ theo 3 đứa ngố, nên tổng cộng có 4 tên tất cả. Chúng tôi cứ xếp hàng một đi túc tắc, ngoan ngoãn như một bầy cừu. Đến ngày thứ hai, sau chương trình tha thẩn trong bảo tàng thì 3 con cừu bọn tôi đã lạc mất thổ địa. Tụi tôi đợi ở cửa 15 rồi 20 phút, vì thể nào đi ra thì cũng chỉ có một ngõ này. Nhưng bặt tăm.

Sau nửa tiếng, theo lẽ thường tình thì tôi nghĩ là không nên đợi nữa, và đúng là bọn tôi đã lạc nhau thật rồi. Tôi không nói được tên cái ga metro gần khách sạn, nhưng nhìn trên bản đồ tôi sẽ nhận ra.

Nhưng Gerald không chịu, ông cả quyết là không khi nào Guy (là thổ địa) lại bỏ bọn tôi ở đây. Chúng tôi đứng đợi bên đường, và Gerald dán chặt mắt vào cửa bảo tàng, không phút nào rời. Được một hồi nữa tôi quá mỏi, bèn ngồi. Nhưng Gerald vẫn đứng kiên cường, không bỏ sót hình bóng một người nào bước ra từ cánh cửa bảo tàng.

Rồi quá đói bụng, tôi bèn vào cửa hàng 7-11 gần đó ăn mì gói. Chao ui, đó là ly mì ngon nhất thế gian, lại còn cay xè nữa mới hết xẩy chớ.

Sau khi no say, tôi quay lại chỗ Gerald. Ông vẫn kiên cường không rời vị trí. Và lúc đó bọn tôi đã đợi gần một tiếng rưỡi. Lần này, 2 con cừu còn lại nhất quyết không đợi nữa, và cả 3 con cừu chúng tôi lên đường vào ga metro.

Cuộc phiêu lưu trong tàu điện ngầm kết thúc. 3 con cừu chúng tôi tuy lạc mất người chăn, nhưng cũng xếp hàng một về lại chuồng. Lúc đi bộ gần đến khách sạn, nhận ra quán xá quen thuộc bên đường, tôi cảm nhận được Gerald mới thở phào trở lại.

Đương nhiên là bọn tôi gặp người chăn cừu ở khách sạn. Guy lo lắng và giải thích với tôi: Gerald đã đi khắp thế giới, nhưng ảnh chưa bao giờ đi một mình. Hoặc có bạn bè như tui dắt đi. Hoặc nếu không, ảnh bỏ tiền thuê hướng dẫn viên du lịch đi với ảnh suốt một tháng, 24/24. Ảnh không ngại trả. Ảnh luôn phải có người đưa đi.

Đến hôm nay, nhóm 3 con cừu – 1 người chăn bọn tôi đã đi cùng nhau được 6 ngày, và sáng mai sẽ chia tay. Gerald là một người lạ lùng hơn cả chi tiết “không bao giờ tự đi một mình”. Nếu bạn nhìn thấy ông nhăn mặt và phản ứng dữ dội với bất kỳ thứ gì không quen thuộc (thịt mỡ, mùi thuốc lá trong nhà hàng, món ăn lạ…), bạn hoàn toàn có thể lầm tưởng là ông mới ra khỏi nhà lần đầu.

Nhưng không, Gerald đã đi khắp thế giới, đều đặn mỗi năm 2 tháng. Không nói đến chuyện tôi (hay bạn) có thích và có phù hợp với cách đi lại, tiếp nhận sự vật của Gerald hay không; nhưng tôi nghĩ riêng chuyện ông có thể vượt qua nỗi sợ bị lạc và tìm được giải pháp cho vấn đề của mình, vậy cũng đã đáng nể.

Kiểu như Yan nấu được thì bạn cũng nấu được. Tôi thấy cơ bản là mình có thực sự muốn làm chuyện đó (ai mà không có chuyện gì đó!) hay không.

26/2/2014
Guanajuato, Mexico

Đám cưới bao lâu thì tàn?

Hôm qua tôi gặp một đám cưới kỳ lạ trong một nhà thờ to đùng ở Mexico City. Lúc đầu, tôi không nhận ra đó là đám cưới. Tôi chỉ vào nhà thờ, dạo một vòng rồi đi ra. Trong nhà thờ cũng có rải rác người dạo lòng vòng như vậy. Nhưng 2 chú bạn gọi tôi quay trở vào xem, vì “hình như có đám cưới”, và nếu đúng thì đó là một đám cưới “rất kỳ lạ”.

Đúng là đám cưới thật. Nhưng tôi không nhận ra vì họ chỉ có chừng hơn 20 người, mà nhà thờ thì quá to. Cô dâu chú rể cũng không mặc đồ cưới, họ mặc kiểu quần áo bó sát bằng da màu đen như bước ra từ một ban nhạc rock, dắt theo một cậu nhóc cũng được cho ăn mặc cũng rất hầm hố. Cả cô dâu chú rể đều nhuộm tóc vàng rực, đặc biệt là bộ tóc vàng của chú rể dài ngang lưng, được cắt lởm chởm và đánh rối. Kiểu tóc của chú chắc khiến cho bất kỳ thợ cắt tóc nào cũng ngứa tay. Chú rể có cái bụng phệ tròn ủm, chừng 55-60 tuổi. Cô dâu dù trang điểm thật đậm thì nhìn chỉ chừng đôi mươi.

Anh bạn đi cùng tôi liên tục tấm tắc: “Kỳ lạ! Kỳ lạ!”. Rồi cuối cùng chịu không nổi, ảnh thôt lên: “Cái cuộc hôn nhân này chắc không kéo dài lâu nổi!”.

Tôi nhìn đám cưới, nhìn những người đang ôm chào nhau. Trong đầu tôi không có nổi một đầu mối nào để đi đến kết luận. Tôi chỉ thấy họ không ăn mặc như thông thường. Còn lại thì tôi không biết gì về họ. Họ là ai? Họ có yêu nhau không? Sao họ lại cưới nhau? Và sao họ cưới nhau một cách khác lạ như vậy?

Chịu! Với tất cả dữ kiện mà tôi nhìn thấy, không tài nào tôi có thể có nổi một ý nghĩ nào về độ lâu bền của cuộc hôn nhân này.

Tôi nghĩ sự đời vốn bất trắc. Và những đoán định của mình về sự bất trắc trên đời càng khó chính xác hơn. Nhưng thật ra có gì nghiêm trọng đâu. Đối với anh bạn tôi, đó chỉ là một kết luận bâng quơ giải sầu. Trong một buổi chiều chẳng có gì đáng xem hơn là đám cưới.

23/2/2014
Mexico City, Mexico