Giấc đời mơ giấc đời mơ

IMG_5546-490x325

Thứ đẹp nhất – đem lại cảm xúc mãnh liệt nhất mà tôi nhìn thấy trong suốt một năm qua là con người. Sự tử tế. Lòng tốt. Trách nhiệm. Khả năng chịu đựng và thay đổi. Và cả những hoang mang, buồn thương, giới hạn, rạn vỡ, những sự thật không cách nào thay đổi được dù có muốn hay không.

Đọc tiếp ở đây:

http://www.elle.vn/du-lich/giac-doi-mo-giac-doi-mo

What good is there in trying. What good is there denying.

1.

Tôi bắt đầu làm việc ở chỗ làm mới: một dự án riêng với các “cộng sự” là bạn thân lâu năm. Với tình yêu và cảm hứng ngập tràn, tôi đặt tên cho chỗ làm mới là một năm nữa bay khinh khí cầu – nên một số bạn bè lâu không gặp đã tưởng là tôi lại đi chơi 🙂

Chỗ làm mới này có quan trọng với tôi không? Có, rất nhiều. Vì tôi đã dùng hết một năm kể từ khi trở về để tìm kiếm nó. Tôi gặp rất nhiều người mới và cũ, nghe và bàn bạc rất nhiều ý tưởng, thậm chí đã chạm tay vào. Nhưng trước thời điểm quyết định, tôi đã rút lui khỏi tất cả. Không phải vì các ý tưởng đó không tốt, mà vì rốt cục nó không phù hợp với tôi. Nó rốt cục sẽ không phải là giấc mơ mà tôi muốn sống chết cùng, không phải là công việc mà tôi sẵn sàng đổi tất cả tiện ích của một môi trường ấm áp để có nó, không phải là thứ khiến tôi tự tin để đeo đuổi đến cùng, dù trời nắng đẹp hay âm u.

Kiss of Fire là một trong những bài Louis Amstrong hát mà tôi thích nhất. Nền tango của bài này nồng nàn như lửa. Sức nóng của nó có thể thiêu cháy khinh khí cầu của tôi, hoặc thổi cho nó bay lên. Tôi có chắc chắn được là khinh khí cầu sẽ bay không? Hoàn toàn không. Tôi chỉ có thể cố hết sức phần mình, còn cái phần do lý lẽ của cuộc chơi dẫn dắt, tôi làm sao mà biết được. Nó có thể vỡ, có thể xẹp lép giữa chừng. Tôi chọn khinh khí cầu, thì tôi cũng chấp nhận rủi ro của nó. Cái đẹp của khinh khí cầu là có thể bay, cái xui (và có thể cũng đẹp nữa) của nó là có thể bể. Nó là khinh khí cầu mà, đâu phải cái nhà 3 tầng sừng sững đằng kia.

2.

Dự án của tôi thực ra không thơ mộng như vậy, mấy đứa thơ mộng chỉ là Mít Đặc và các bạn. Tôi làm phần việc mình có khả năng, nhưng đồng thời cũng vùi mặt trong mớ con số và công thức mà chưa bao giờ mình phải nhúng vào. Tôi dốt toán khiếp đảm, và chưa có kinh nghiệm xử lý những cục tiền nhỏ xíu như đồng xu như vầy. Tôi tự trả lương cho mình gần được 1/10 so với người ta trả cho mình, và đó là một nỗ lực đáng ghi nhận. Mà thuyền còn chưa hạ thủy đâu, chưa phải “mùi đời” đâu 🙂

Chiều nay tôi gặp một bạn sales. Tôi cần mua một giải pháp mà bạn ấy có để bán. Cuộc gặp diễn ra trong 30 phút. Kết thúc, tôi cho bạn ấy biết là 80% khả năng tôi sẽ đi với bạn, 20% kia là tôi cần kiểm tra lại một lựa chọn song song, mà lựa chọn này thì cho đến giờ tôi không nghĩ là phù hợp. Bạn sales còn rất trẻ, bạn ấy bảo khách hàng nào cũng như chị thì em đỡ ghê, bình thường em khổ hết sức để bán cái món hàng xa lạ này. Nhưng bạn trẻ ơi, làm sao mình có thể mong đợi mọi sự trên đời luôn tươi tắn, ấm áp, dễ dàng, niềm nở và tốt với mình như ba má mình ở nhà? Tôi không thông minh hơn những khách hàng khác của bạn ấy, tôi chỉ đơn giản là biết lĩnh vực này và biết thứ mình cần.

3.

Chiều nay mưa to. Hôm qua cũng vậy. Và hôm kia hình như cũng vậy. Cuối tuần rồi tôi đi ăn trưa với ba. Lâu rồi chúng tôi không đi riêng với nhau, không nói câu chuyện gì riêng tư thực sự. Tôi cập nhật cho ba tôi biết tình hình của tôi – tôi đang làm gì, tôi đã từ chối thứ gì, tại sao tôi không muốn những thứ đó. Nói chung là các sự kiện chính gom vào vài câu ngắn. Và tôi có thể nhìn thấy chỉ qua mấy câu ngắn mà tôi nói đó, lúc nào thì nét mặt ba tôi nhíu lại, lúc nào thì giãn ra. Toàn bộ phản ứng của ba tôi với cuộc đời tôi chỉ luôn là như vậy: những nét mặt có lúc nhíu lại, có lúc giãn ra. Tuyệt đối không bình luận, không can thiệp, không phán xét.

Chỉ có một lần, hồi ngay trước ngày tôi đi xa, ba nói với tôi, một lần, ngắn gọn: “Ba biết H. có nhiều người trợ giúp, nhưng nếu lỡ H. gặp chuyện gì thì luôn có thể gọi về nhà, ba có thể giúp”.

Tôi chưa sử dụng quyền trợ giúp này. Nhưng đó là điều an toàn và chắc chắn nhất trên đời mà tôi từng biết. Lỡ gặp chuyện gì. Luôn có thể gọi về nhà.

12204613_10153378322044401_322133843_n

Come rain or come shine

Ví dụ như bạn là nhà văn, bạn viết xong cuốn sách, in xong, bán xong, lãnh tiền xong. Mọi sự tưởng như xong, vậy mà sau một năm, các nhân vật của bạn liên lạc lại, và cập nhật cho bạn biết cuộc đời họ đang diễn biến đến đâu.

Câu chuyện đó có thể giống như phim kinh dị vậy. Thật hên là tôi không phải nhà văn, các nhân vật của tôi – hên làm sao – họ hoàn toàn có cuộc đời riêng. Chỉ là sau một năm tôi trở về nhà, họ cùng lúc liên lạc lại để cập nhật về đời mình. Những tin tức đó như cây thước đo kỳ lạ về thời gian. Có bao nhiêu thứ có thể xảy ra trong một năm? Và trong bao nhiêu thứ đó, có bao nhiêu thứ thực sự quan trọng? Và trong bao nhiêu thứ thực sự quan trọng đó, có điều gì sẽ còn tiếp tục quan trọng mãi về sau?

Trong một năm đó, những “nhân vật” của tôi – đời họ đã biến chuyển theo bốn phương tám hướng, kể cả hướng xuống vực sâu.

Zo gửi thư mời dự tiệc chia tay cậu ở một quán bar. “Đến nha, cứ rủ càng nhiều bạn bè của cậu càng tốt. Tui sắp rời nước Mĩ”. Đúng kiểu tay chơi của Zo, và cậu mời cả tôi. Tôi tin là đêm chia tay đó phải tưng bừng lắm, như thể là tay chân Zo vẫn lành lặn, như là cậu đã hết đau, như là trước đó không hề có cuộc quyên góp tiền phẫu thuật cho cậu. Bây giờ, người thanh niên ham chơi vượt khó đó – còn rất ít xu dính túi – sẽ đi học MBA và kiếm sống ở một nước khác, bắt đầu một chương mới của đời mình.

Tất cả những chi tiết đó chỉ là các sự kiện. Tôi không hình dung được những tầng nấc cảm xúc của Zo đằng sau mỗi sự kiện đó. Và của những người khác nữa.

“Thật lạ lùng, hai ngày nữa thôi tui sẽ rời khỏi chỗ này”. Cảm giác này thì tôi biết, nó giống như nhìn thấy một phần đời của mình trôi bên ngoài cửa xe. Nó trôi ngang qua mình, trong nắng chiều sắp tắt, rồi mất hút. Dù mưa hay nắng, giống như bài hát này tôi nghe hồi tháng tám năm ngoái bên hồ nước, bây giờ lại tìm lại được trên mạng:

“You’re gonna love me like nobody’s loved me, come rain or come shine
Happy together unhappy together and won’t it be fine?
Days may be cloudy or sunny
We’re in or we’re out of the money”

20140520-194522-71122110

Đừng phai nhạt, đừng hoài nghi…

về Ôm Mỏ Neo Nằm Mộng Những Chân Trời

***

Năm 2013, sau khi quyết định thực hiện một chuyến đi dài, tôi đã kịp biên tập cho tập thơ nhỏ Lạ Lùng Sao, Đớn Đau Này của Nomad. Và Nomad thì kịp in nó trước khi tôi lên đường. Sách vuông vắn, nhỏ nhắn, đủ gọn để tôi bỏ vào ba lô mang theo. Nomad nói vui rằng đợi tôi về, thì lại in tiếp tập thơ nữa.

Nói chơi ai dè làm thiệt. Làm thơ coi bộ cũng dễ! Biên tập thơ cho nó càng dễ hơn. Thực ra công việc chính của tôi – đối với cả 2 tập thơ – là sắp xếp, giống như chơi lego vậy.

Lần này, tôi xếp thơ Nomad theo một dòng chảy mà nhân vật chính là một “tàu bé trong hải cảng”. Một con tàu đang yên đang lành nằm trong bến, tự nhiên một sáng thức dậy “Một mai mở mắt nhìn ra/ Thấy sông đầy nước và hoa đầy đồng”.

Không biết bạn đã bao giờ trải qua điều kỳ lạ như vậy chưa. Tôi thì có. Cũng như mọi người, tôi có vài giấc mơ be bé. Thứ nào làm được thì tôi đã làm, thứ nào không làm được thì tôi bỏ nó vào một cái chai đậy chặt, thả trôi sông luôn. Khỏi lấn cấn, khỏi phân vân, và tôi nghĩ mình sẽ sống hạnh phúc mãi mãi. Cho đến một buổi trưa yên lành, cái chai đó trôi trở lại, nằm im run rẩy trong tay tôi.

Những giấc mơ bé bỏng của chúng ta, phần lớn đã bị lãng quên, bị chôn vùi, bị cư xử tệ như vậy. Đơn giản vì giấc mơ thì đẹp và bay bổng, nhưng thường thiếu an toàn. Theo qui tắc “bảo tồn bền vững xã hội”, chúng ta thường được đào tạo theo hướng tạo lập những giá trị an toàn. Một sự nghiệp vững vàng, một đối tác thỏa mãn các điều kiện, một gia đình chắc chắn, một hạn mức tài chính ổn định. Tất cả những “mỏ neo” đó không có lỗi gì cả. Nhưng tôi đoán rằng cuộc sống này còn có thứ gì khác nữa. Thứ gì mà nhiều khi mình khao khát, mình đến đốt cháy được cả mình để mà sống nó. Chỉ cần nhìn ra được điều đó – người đó thôi, thì Nomad và cả không Nomad ơi,

“Đừng phai nhạt

Đừng hoài nghi

Còn thương

Dẫu đớn đau gì cũng qua

Đừng quên lãng

Đừng rời xa…”

đừng suốt đời ôm cái mỏ neo của mình mà chôn hết cả chân trời.

Tôi xếp cho con tàu bé của Nomad ra khơi, với đầy ắp niềm tin, đầy ắp thơ ngây, yêu đương trầy xước (ừ, thì yêu đương là một đặc tính của Nomad :D), tổn thương và lành lại, và lại tổn thương. Đó là hành trình dài suốt toàn bộ phần giữa của tập Ôm Mỏ Neo Nằm Mộng Những Chân Trời. Cái hành trình lên bờ xuống ruộng đó, vừa hân hoan vừa đau đớn đó – chỉ những con tàu chịu ra khơi mới tận hưởng được. Nếu niềm vui là thứ ai cũng thích, thì tổn thương và va đập cũng là một phần tự nhiên  của cuộc sống này, mà ta không cần cứ né mãi 🙂

Nomad nghĩ rằng mạch thơ của tập này là một mạch vòng tròn. Con tàu bé của bạn ấy lượn một vòng thế gian rồi cập lại bến ở cuối cuốn sách, với một tâm thế khác. Nhưng tôi thì không biết đó có phải là cái bến ở đầu tập thơ hay không, hay là một bến khác, một chân trời khác, mỏ neo khác…

Tập #moneo lần này được thực hiện theo một qui trình khác hẳn, trong đó nhà thơ tham gia và nắm quyền quyết định từ bước đầu cho đến cuối, cùng với một nhóm hỗ trợ đặc biệt. Cách làm này rất mệt cho nhà thơ (và thực tế thì Nomad quả là lên bờ xuống ruộng), nhưng lại đặc biệt phù hợp với thơ Nomad.

Thứ tôi thích nhất ở thơ Nomad là “tính thị trường” rất cao – với tư duy, ngôn ngữ, cảm xúc đều là nhứng thứ đang diễn ra ngoài kia: trên đường phố, trong văn phòng, ở quán nhậu vỉa hè, trong thang máy giữa đêm… mà cả tàu chưa ra khơi lẫn tàu đã va đập nát bét đểu có thể thấy mình trong đó. Nên cái qui trình làm tập thơ “chuyên nghiệp kiểu Úc” của Nomad, từ lên ý tưởng, vẽ, in, phát hành, quảng bá… thực sự có thể chắp cánh cho tác phẩm và tạo nên một sản phẩm đẹp.

Nên chúc mừng Nomad. Và chào mừng ra khơi!

***

Ảnh: Nomad

Một cuộc đời tưng bừng

“Ê, tao nghe nói cuộc đời mày đang tưng bừng lắm phải hem?”

Chiều nay, bạn tôi nhắn tin hỏi vậy. Bạn thân. Có khi bọn tôi gặp nhau 2 ngày 1 lần, có khi 1 năm 2 lần.

Không, xin đừng tưởng bở. Tôi không đang tung tăng từ bãi biển này qua đồng cỏ khác, không đêm đêm la cà cho đến lúc mặt trời mọc. Cái cuộc đời “nghe nói tưng bừng” đó – thực ra chỉ là dọn nhà, sửa nhà, thu xếp cuộc sống, thay đổi thói quen và lịch trình hàng ngày, thay đổi công việc, và tiếp tục mọi thứ. Và không phải thứ nào cũng tiện nghi hơn.

Cái tưng bừng của tuổi “lưng chừng”, nó rất khác với thời mình còn rất trẻ.

Tôi đã quên bớt tuổi trẻ thì như thế nào, nhưng nhờ có kha khá bạn bè ở tuổi dưới 30, tụi nó nhắc tôi nhớ được nhiều thứ. Điều dễ nhớ nhất là ở độ tuổi đó, vấn đề nào cũng to, và người ta dễ tin rằng sự tưng bừng của cuộc đời sẽ ra đi cùng với tuổi trẻ.

Nói thực với bạn, là tôi thấy già đi là một trong những quá trình đặc biệt tuyệt vời, với điều kiện sức khỏe vẫn tốt. Hồi tôi còn rất trẻ, với nguồn năng lượng tràn đầy chưa biết cách kiểm soát, với hàng loạt vấn đề chưa biết cách thỏa hiệp, với một mớ thái độ chưa biết cách làm chủ, hạnh phúc không phải lúc nào cũng dễ dàng cảm thấy như bây giờ. Tuổi trẻ chẳng có gì sai, chính cái khối năng lượng dồn nén đó thúc đẩy sự vận động. Nhưng già đi cũng không hề dễ sợ như người ta vẫn vẽ ra. Rốt cục thì, nếu không ở trong hoàn cảnh khách quan thực sự bi đát, thì mấu chốt của hạnh phúc chỉ là thái độ. Mà thái độ là thứ ta hoàn toàn có thể chọn lựa được.

Tôi có một người bạn 71 tuổi, năm nay đã bước sang tuổi 72. Bà là một phụ nữ tuyệt vời – thích chăm sóc người khác, luôn luôn hoạt động, đầy tình yêu, lúc nào cũng hân hoan vui sống. Sự thanh lịch dịu dàng của bà gần như lan tỏa trong không khí, tạo thành một thứ cảm xúc ấm áp rõ ràng như là chạm vào được. Vậy đó mà ngày xưa, bà từng nổi giận đến mức đang cầm con dao làm bếp mà vung tay phóng thẳng về phía ông chồng. Cái con người cầm dao đó – tôi nghe kể, nhưng không thể nhìn thấy được nữa. Tôi nghĩ những con dao vô minh như vậy có trong tất cả chúng ta. Thái độ thù địch, sự hồ đồ, hay chỉ đơn giản là những lời nói và suy nghĩ chứa chất độc. Đặt dao xuống hay phóng dao đi – không chỉ là lựa chọn, mà còn là cả một quá trình tập luyện.

Một cuộc đời tưng bừng! Ừ, thì nếu dọn dẹp, sắp xếp, đổi thay… được xem là tưng bừng. Những “tưng bừng” không hề ngơi của của những chặng trong đời, và hoàn toàn có thể lựa chọn được 😀

Chiều 30 Tết

Năm nào chiều 30 Tết, tôi cũng xách xe lượn một vòng Sài Gòn, rồi chọn một quán cà phê còn mở cửa, ngồi viết một bức thư cuối năm.

Năm nay tôi không viết thư cho ai. Tôi viết cho mình.

Sài Gòn chiều 30 rất vắng xe, vắng người, mọi thứ chậm hẳn lại. Tôi thích chạy quanh mấy con đường trung tâm, nhìn các hàng quán đã đóng và ngắm coi họ đặt những chậu hoa gì trước cửa.

Giờ này năm ngoái, tôi đang trên một chiếc xe buýt ở Colombia, đi từ Cartagena đến Medellin. Chuyến xe dài 16 tiếng, nên tôi cũng đón giao thừa trên đó. Tính ra vậy cho vui thôi, chứ lúc đó tôi cũng không nhớ nhung gì không khí Tết. Đón Tết ở nhà mấy chục năm, có một năm xa thôi thì nhớ làm chi cho bận rộn!

Cũng như ngay lúc này đây, tính ra cho vui thôi, chứ tôi cũng không còn nhớ nhung cái chuyến xe giao thừa ở Colombia nữa. Chiếc xe đó đã dừng tại Medellin rồi.

Trí nhớ kém có một số cái lợi, và một số cái hại. Cái hại lớn nhất là đôi lúc, bạn có thể quên mất mình thực sự đã được gì. Nói theo kiểu “tổng kết cuối năm”, thì năm qua hẳn phải là một trong những năm được nhiều nhất của tôi. Vậy mà chỉ trong 3-4 tháng trở về nhà, tôi để cho mình bị cuốn phăng đi – bởi công việc, dự định, căng thẳng – đến mức gần như quên sạch tất cả. Cứ như một người vừa thức giấc, cố gắng ghê gớm vẫn không nhớ nổi giấc mơ mới tức thì. Thật là tận cùng mê muội 😀

Tối hôm qua nhìn đường phố Sài Gòn sau nửa đêm. Đường phố lướt qua, nhà cửa lướt qua, thấy cả cái sự si mê của mình cũng lướt qua trên những vỉa hè đó. Tiễn nhau thôi, giờ mình đi mua hoa đón năm mới si mê mới 😀

IMG_5843

Ăn rong nửa vòng trái đất

Tôi bắt đầu chuyến du lịch của đời mình từ tháng 9 năm ngoái, đến nay đã gần một năm sống trên đường. Gần một năm ăn rong. Từ cực rẻ đến hơi đắt, từ mùi vị quen biết đến những thứ không rõ làm bằng gì. Tôi mê thích thức ăn đường phố và những tiệm ăn của người địa phương (nhưng thỉnh thoảng, loại quán xá dành cho du khách cũng có thứ đáng thưởng thức). Gần một năm qua, danh sách những món ăn đáng nhớ nhất của tôi còn lại chừng này.

1/ 0 đồng. Tapas ở Granada, Tây Ban Nha.

Tapas có thể hiểu đơn giản là món nhắm lai rai của người Tây Ban Nha khi uống bia rượu. Nếu món nhậu của người Việt muôn hình vạn trạng cỡ nào – từ con khô lóc nướng đến dĩa gỏi xoài – thì tapas của người Tây Ban Nha cũng biến hoá khôn lường chừng đó. Tất cả là tuỳ vào đầu bếp. Có khi món tapas của bạn sẽ là một dĩa nui sốt kem nhỏ mà đầu bếp chừa lại khi nấu món chính, có khi là miếng sandwich cá sống với ô liu, có khi là một món gì đó được chế biến hết sức cầu kỳ.

Ở Granada, chỉ cần gọi một ly bia hay sangria, bạn sẽ có tapas miễn phí kèm theo. Tôi mê tapas đến mức nhiều lúc không muốn uống bia nhưng cứ phải gọi, chỉ để được háo hức chờ xem món tapas mình sắp được nhấm nháp là gì.

IMG_5348

IMG_5296

2/ 8,000 – 16,000 đồng. Tacos trên đường phố Mexico.

Một chút nhân nóng hổi (thịt bò, gà, lòng heo…) rắc lên miếng bánh tortilla, thêm gia vị là hành tây, ngò rí, cà chua, rưới tiếp các loại sốt ớt thơm lừng và cay thấu trời xanh. Đó là chiếc tacos – món ăn vua của đường phố Mexico. Mọi góc phố góc chợ, đâu đâu bạn cũng có thể bắt gặp một xe tacos. Tuyệt vời biết bao, vì tacos là món tôi có thể ăn mỗi ngày, không bao giờ chán.

IMG_5349

3/ 20,000 đồng. Chicharron ăn vặt ở Mexico.

Chicharron là miếng da heo khô đã được chiên giòn rụm, tương tự như da heo khô dùng để nấu canh nấu lẩu của nhà mình. Trong chợ, người ta bán chicharron cân ký hay ăn kèm với món thịt heo hầm. Trên phố, chicharron được bán như một món ăn vặt, chỉ đơn giản là phết ớt và chút hành mỡ thơm thơm lên – cay xé lưỡi mà ngon tuyệt với ai ghiền ăn cay, hoặc phức tạp hơn với phần nhân rắc lên gồm đủ cả pho mát, quả bơ, ớt, sốt kem… Kiểu nào cũng ngon lành!

IMG_5347

IMG_5307

4/ 21,000 đồng. Cà phê sữa ở Havana, Cuba.

Tôi mê cà phê nên hễ đến nước nào nổi tiếng về cà phê thì đều hăm hở thử. Tách cafe con leche (cà phê sữa trong tiếng Tây Ban Nha) ngon nhất tôi từng uống là trong một tiệm ăn sáng nhỏ ở Havana. Nhưng thật ra cà phê ở Cuba chất lượng rất đồng đều, từ nhà hàng lớn cho đến tiệm nhỏ. Cà phê ngon, nhạc hay, xe hơi cổ – Cuba là một đất nước diệu kỳ.

IMG_5309

5/ 45,000 đồng. 1 viên kem gelato ở Venice, Ý.

Gelato là món kem lạnh của người Ý, và có các chỉ số về độ béo – độ lạnh – bọt khí khác biệt so với kem thông thường (ice cream). Nhưng với một chiếc gelato mát lạnh béo thơm trong tay, chân lang thang quanh những con phố nhỏ xinh của Venice, thì ai mà còn quan tâm đến mấy chỉ số này?

IMG_5314

6/ 56,000 đồng. Ceviche tôm ở Santa Marta, Colombia.

Ceviche là một kiểu cocktail hải sản xuất xứ từ Peru nhưng đã trở nên phổ biến khắp các nước Nam – Trung Mĩ. Ở các thành phố và thị trấn ven biển Colombia, bạn gặp ceviche từ mẹt hàng rong trên bãi biển cho đến trong nhà hàng. Món ceviche ngon nhất của tôi là ở một quán vỉa hè 30 năm tuổi đời, lúc nào cũng đông nghẹt khách (và chúng tôi là khách du lịch duy nhất ở đây). Có đủ loại: ceviche bạch tuộc, mực, cá… nhưng tôm là ngon nhất. Tôm sống được làm chín tái bằng chanh, trộn với nước sốt đậm đặc và gia vị hành tỏi thơm nồng, ăn kèm bánh qui lạt giòn tan.

IMG_5297

IMG_5298

Quán ceviche 30 năm tuổi

7/ 66,000 – 140,000 đồng. Những bữa cơm nhà ở Cuba.

Cuba có một loại “khách sạn” gọi là casa particular – tức là nhà dân có phòng cho du khách thuê. Hầu hết casa đều có nấu bữa sáng và bữa tối cho du khách theo yêu cầu. Phải ăn “cơm nhà” ở casa ít nhất vài lần, bạn mới thấy người Cuba nấu ăn ngon ra sao, bày biện tươm tất tỉ mỉ ra sao, tiếp đãi khách nồng ấm ra sao. Tất cả các bữa ăn ở casa của tôi đều ngon hơn hẳn so với ăn ở nhà hàng chính phủ và khách sạn trọn gói.

IMG_5361

Bữa sáng chậm rãi trong một casa đầy đồ đạc cũ xưa tuyệt đẹp ở Camaguay, Cuba

8/ 127,000 đồng. Thịt muối sấy ăn vặt ở Barcelona, Tây Ban Nha.

Thịt muối (jamón trong tiếng Tây Ban Nha) là loại thực phẩm truyền thống của người phương Tây. Thịt muối kẹp sandwich, làm nhân pizza, trộn salad, dùng nấu nướng món này món nọ. Nhưng thịt muối cũng có thể cắt viên vuông để bốc lủm ăn vặt. Mằn mặn, đậm đà, bốc một miếng lại muốn bốc miếng nữa. Chỉ tiếc là những con phố đi bộ ở Barcelona thì dài, mà gói thịt muối 4.5 Euro chỉ bốc có chút xíu là hết.

IMG_5299

IMG_5300

9/ 170,000 đồng. Cá trucha ở Salento, Colombia.

Trucha (cá trout, thuộc họ cá hồi) là đặc sản vùng Salento. Ở đây, từ quán ăn bình dân cho đến nhà hàng đắt tiền, lúc nào bạn cũng thấy trucha trong thực đơn. Bữa  trucha ngon nhất của tôi là ở nhà hàng Fonda ngay quảng trường, với món trucha truyền thống sốt cà chua củ hành cực đậm đà, ăn kèm với chuối xanh patacon cán mỏng chiên giòn rụm.

IMG_5344

10/ 175,000 đồng. Burger ở Quebec, Canada.

Tôi vốn kỵ món burger, thường chỉ ăn vì hai lý do: không còn gì khác để ăn hoặc không còn gì khác rẻ hơn. Nhưng cái tiệm Johnny trên đường từ Montreal đến Saint Donat đã làm thay đổi hoàn toàn định kiến của tôi về món ăn nhanh buồn bã này. Bánh mì nóng hổi với vỏ hơi giòn giòn, thịt bò kẹp bên trong vị đậm đà, salad đầy ắp dĩa, nước sốt chấm cực ngon. Tiệm Johnny mở từ năm 1945, ban đầu chỉ là một chiếc xe tải bán burger và hot dog, rồi từ từ nâng cấp thành xe container, rồi nhà hàng. Trong nhà hàng giờ vẫn còn những chiếc máy nghe nhạc bằng đồng xu từ những năm 60, khách có lẽ cũng chủ yếu là khách quen vì nhìn ai cũng háo hức nhấp nhổm chờ món ăn của mình.

IMG_5303

11/ 423,000 đồng. Bánh mì tôm hùm ở Kennebunkport, tiểu bang Maine, Mĩ.

Người ta vẫn hay nhắc tôm hùm Boston – vốn nổi tiếng ngon và rẻ. Tuy nhiên, Maine mới là tiểu bang tôm hùm của Mĩ, và cũng là nguồn cung cấp tôm hùm chính cho Boston. Tôm hùm xứ nước lạnh thịt ngọt lịm và chắc, ngon hơn hẳn so với tôm hùm xứ mình. Rẻ thì cũng rẻ thật, nếu bạn không cầu kỳ, ở Boston (ở Maine còn rẻ hơn) chỉ cần bước vào siêu thị mua con tôm hùm hơn nửa ký đang bơi, chỉ cỡ 10usd, hấp lên chấm muối tiêu là đủ một bữa tấm tắc trầm trồ.

Nhưng món tôm hùm tuyệt ngon tôi được ăn phải là món bánh mì tôm hùm ở nhà hàng Alisson tại thị trấn Kennebunkport (Maine). Lúc đầu, tôi vẫn nghĩ tôm hùm sao lại đem ra làm bánh mì, sao thưởng thức được hết mùi vị của nó. Nhưng bạn Lin bắt buộc tôi phải thử, bạn bảo món bánh mì tôm hùm của nhà hàng này nổi tiếng khắp xứ. Và đến giờ tôi vẫn biết ơn Lin. Chưa có con tôm hùm hấp, nướng, rang, xào nào trong đời tôi có thể sánh được với ổ bánh mì tôm hùm của Alisson.

IMG_5354

IMG_5345

IMG_5346

Quà lưu niệm đặc trưng cho tiểu bang Maine là đủ các thứ vật dụng ngộ nghĩnh hình tôm hùm

(Viết từ Canada)

“Xin chào nhau giữa con đường”

Đường phố Sài Gòn hôm qua mưa nhẹ, dịu mát. Trong mệt mỏi vì chuyến bay dài, tôi vẫn còn đủ năng lượng để ăn trưa với gia đình, ăn tối với bọn bạn. Đó là nhà 🙂

Chuyến đi của tôi đã xong, một năm đã qua. Có quá nhiều thứ đến mức tôi nghĩ, mình phải chấp nhận một sự thật là rồi đây, mình sẽ không cách nào giữ lại hết mọi sự trong đầu. Tôi đã cố gắng viết như một cách để ghi nhớ. Nhưng blog này, hay blog tôi viết cho Elle, hay những mẩu rời rạc viết tay, tất cả cộng lại cũng chỉ được chừng 30%.

Cái năm đi lại của tôi chắc cũng chỉ chừng 30-40% như kế hoạch. Nhưng kế hoạch là để chuẩn bị cho tốt, không phải để mình dính cứng ngắc vào 🙂

Như cái năm đã qua đó, blog này cũng dừng ở đây. Cảm ơn các bạn đường đã đi cùng tôi một đoạn đặc biệt trong đời.

8/9/2014
Sài Gòn